Vòng quay cũ của năm 2012 luôn là vấn đề nhức nhối với người hâm mộ và những nhà làm bóng đá Việt Nam. Một vòng quay không yên tĩnh nhưng chắc chắn giúp bóng đá Việt Nam rút ra nhiều bài học.
* Tiền, tình, tù, tội và…
Chỉ một bầu Kiên bị bắt và tội không liên quan đến bóng đá nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam đã rúng động không ít sau sự cố này. Đầu tiên là lộ trình một mình một đường của VPF gãy ngang do thiếu người cầm trịch và thiếu hẳn thủ lĩnh đủ cơ “chơi” với những người trong bộ máy VFF hay áp đặt các CLB và bị kêu ca là ít vì quyền lợi của CLB. Kế đến là hàng loạt những CLB bị ảnh hưởng sau vụ khủng hoảng tài chính đặc biệt liên quan đến các đội bóng được nuôi bởi những ngân hàng. Ngay đến nhà tài trợ chính của bóng đá Việt Nam chuyên bao tiêu cho V-League cũng lao đao, còn ông Phó Chủ tịch phụ trách tài chính người giữ hầu bao cho VFF thì mệt mỏi với tin đồn và với cả những gì liên quan đến việc làm ăn của bầu Kiên.
Hai đội bóng của Bầu Kiên bị xóa sổ
Nói bóng đá Việt Nam bị “văng miểng” sau vụ bầu Kiên bị bắt cũng đúng mà nói nền bóng đá đấy đang sung sướng vì được “tiêu tiền ở ngoài” nay bỗng bị thắt miệng bao lại và điêu đứng cũng không sai.
Xét cho cùng, vụ bắt bầu Kiên đã ảnh hưởng không ít đến một nền bóng đá quen sống bằng tiền tài trợ và bằng phần làm ăn mà các ông chủ lấy từ tay trái bỏ qua tay phải để đội bóng tiêu pha.
Đồng tiền cho bóng đá cũng có lúc được lần ra, nó không đến từ bóng đá mà từ các “phần thưởng” mà bóng đá góp phần đưa các ông bầu tiến gần với quan chức, với thương trường và với những dự án.
Đồng tiền cho bóng đá có lúc được chỉ ra rằng nó là “tình cảm” mà các ông bầu làm ăn được rồi ban phát cho bóng đá. Rồi đến khi có ông bầu “dính sự cố” thì nhiều người lại giật mình hiểu ra rằng bóng đá lâu nay sống bằng tiền ảo và cầu thủ được trả lương từ những giá trị ngoài bóng đá mà rất khó nắm được hay sờ thấy.
Năm 2012, sau hàng loạt các sự cố, bóng đá trôi về số “mo” và ở đấy nhiều giật mình ra mặt bằng bóng đá 2012 có khi chỉ là những vẻ hào nhoáng như một chức vô địch của một đội bóng có ông chủ “quản” nhiều đội và chiếc Cúp Quốc Gia thuộc về đội bóng chi rất nhiều tiền và sự tồn tại cũng thật mong manh, dễ vỡ.
* 2013 và nhiệm vụ mới từ những viên gạch ở chân tường
Trước đây nhắc đến bầu Thắng, đến Đồng Tâm Long An, mọi người hay chỉ ra một cái tên: GẠCH.
Bây giờ thì Gạch đã quay trở lại với sân chơi V-League và ông chủ đội bóng này lại đang là Chủ tịch HĐQT công ty VPF chịu trách nhiệm tổ chức ba giải quốc nội cao nhất quốc gia.
Thực chất bầu Thắng nhận lời làm Chủ tịch HĐQT vì nể lời mời của bầu Kiên hơn là việc ông phải đứng mũi chịu sào. Ông được xem là ông bầu đỏ bước ra làm Chủ tịch HĐQT sẽ dễ hơn, cùng được lời hứa của bầu Kiên và cả bầu Đức: “Chúng tôi đứng sau anh”.
Giờ thì bầu Thắng lại đang ở thế ngồi trên thì gió mà xuống dưới thì nóng. Và ông buộc phải tiếp tục đồng hành với VPF trong giai đoạn thế yếu đi rất nhiều.
Viên gạch mà VPF bắt đầu lại sau một mùa tranh cãi giành bản quyền truyền hình, lập Hội Bảo trợ bóng đá Việt Nam và liên kết với các đài truyền hình để xử lý vụ đầu ra cho bản quyền… sẽ phải bắt đầu lại từ mùa 2013 nhiều khó khăn.
Bóng sẽ lăn muộn và số đội cơ bản là 12 nhưng không ai dám chắc từ nay đến ngày khai mạc sẽ còn đủ 12 đội. Ở hạng Nhất và hạng Nhì cũng thế, dù năm nay các đội ở đáy được tạo điều kiện để đốt giai đoạn và được đẩy lên hạng rất nhiều. Cuộc thi đã biến thành trẩy hội, dù rất nhiều người đi hội với cái túi rỗng và với cầu thủ thì danh sách thất nghiệp ngày càng tăng.
Cái kiểu làm bóng đá như bầu Thắng căn cơ như góp từng viên gạch để xây bức tường giờ rất phù hợp với bóng đá Việt Nam mạnh ai nấy tìm gạch để lót chân tường.
Đã có nhiều ông chủ dần nhận ra rằng lâu nay (đặc biệt là 2012) mình chạy theo giá trị ảo và đua tiền lẫn đầu tư cho đội bóng để đổi đất, đổi dự án nhiều hơn là làm bóng đá một cách tử tế. Chính những nhà làm bóng đá và cơ quan điều hành bóng đá cao nhất là VFF cũng nhận ra điều đấy nhưng vì sự hào nhoáng của một nên bóng đá thích tự tôn những danh hiệu số 1 mà họ bỏ qua những giá trị cần thiết để bảo đảm một nền bóng đá vững chắc và ổn định.
2013 vì thế sẽ là năm đầy thách thức. Thách thức không phải là vòng loại Asian Games bằng lứa U23, hay SEA Games tại Myanmar mà là cả một hệ thống đang được định vị lại sau một cơn bão làm đổ nát hết tất cả những gì được xây qua loa, tạm bợ.
2013 là năm mà bóng đá Việt Nam sẽ ít quan tâm đến sự hào nhoáng của đồng tiền mà thay vào đó là sự thực tế từ một cách làm bóng đá tử tế.
Những năm qua và 2012 tiền đã không mua được sự tử tế.
Và năm 2013 thách thức lớn nhất là sự tử tế cần thiết của những nhà làm bóng đá.