Bi kịch của tiền mệnh giá 500 đồng

Tin tức

Bi kịch của tiền mệnh giá 500 đồng


Nộp vào ngân hàng phải chịu phí "cắt cổ", nhà băng trả khách không nhận, Ngân hàng Nhà nước để chật kho mà không thể tiêu hủy được nhưng đến Tết, tiền 500 đồng lại... sốt.

Nhân viên Vietcombank trên phố Trần Duy Hưng cho biết, khách nộp tiền vào tài khoản, nếu là tiền 500 đồng sẽ bị thu phí 10%/tờ, tương đương 50 đồng. Như vậy, với khoảng 10 triệu đồng nộp vào ngân hàng, người nộp tiền phải bỏ ra 1 triệu đồng đóng phí. Chị này cho biết quy định nói trên được Vietcombank áp dụng từ tháng 4/2011, dành cho tiền lẻ có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống.

Còn theo lời chị Lan - nhân viên ngân hàng Á Châu (ACB), loại tiền giấy, đặc biệt là 500 đồng, khi giao dịch, hầu như không khách hàng nào nhận. Do đó, dù không thu phí kiểm đếm, nhưng ngân hàng này khuyến khích khách lọc riêng, phân loại tiền cũ, mới hoặc tiền nát để nhân viên đỡ mất công kiểm đếm lâu. "Tiền này thu về, bọn em cũng bó lại, nộp vào kho rồi đưa lên Ngân hàng Nhà nước, những tờ nát thì tiêu hủy, chứ trả khách hàng người ta cũng không lấy đâu, từ lâu lắm rồi", chị Lan cho biết.

Lấy lý do phòng ít nhân sự, chỉ có một người kiểm đếm, một nhân viên Sacombank tại phố Trần Duy Hưng còn khuyên khách hàng lên thẳng chi nhánh Thăng Long (nằm trên phố Nguyễn Chí Thanh cách đó vài trăm mét) để việc đếm tiền được nhanh và thuận lợi hơn. Theo lời nhân viên nói trên, mức phí để nộp tiền 500 đồng là 0,5% tổng số tiền, tối thiểu là 50.000 đồng.


 
Cùng với tiền xu, tiền giấy các mệnh giá nhỏ cũng là thứ mà không ít ngân hàng rất ngại nhận về từ khách. Một số nơi áp dụng phí kiểm đếm tiền lẻ bằng với phí đổi tiền mới ngoài thị trường.

Trong khi đó, càng gần Tết, trên thị trường, nhu cầu tiền cotton mới 500 đồng càng lên cao. Nhiều điểm chuyên đổi tiền lẻ thông tin, năm nay, loại tiền này khan hiếm. Mức phí hiện tại là "100 ăn 70", "100 ăn 80" hoặc "100 ăn 85", tức là 100.000 đồng đổi lấy tiền 500 đồng chỉ được thu 70.000-85.000 đồng. Các loại mệnh giá từ 2.000 đồng trở lên có phí "dễ thở" hơn, phổ biến "100 ăn 90" hoặc "100 ăn 95".

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã "úp mở" thông tin sẽ hạn chế in thêm tiền mới mệnh giá dưới 2.000 đồng trong dịp Tết năm nay. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, mỗi năm, sau dịp Tết, tiền lẻ các mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống, đặc biệt là 500 đồng và 1.000 đồng đổ về các chùa chiền nhiều, sau đó ứ đọng trong kho của các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước, nên năm nay, nhiều địa phương đang đề xuất hạn chế in thêm tiền mới loại 500 đồng. "Hiện tại, các kho ngân hàng đầy ắp tiền 500 đồng, không tiêu được và cũng không có chỗ để chứa, nên không biết phải xử lý như thế nào", ông Tú cho biết.

Các ngân hàng thương mại cũng không mấy hào hứng với vấn đề tiền lẻ. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng Á Châu cho biết, dù đa phần khách không nhận tiền lẻ, nhưng ngân hàng không thể từ chối nhận khi khách nộp vào. Nhận xong, các ngân hàng sẽ chuyển lên Ngân hàng Nhà nước, chứ không thể nói vì tiền cũ, rách nên tiêu hủy. "Các loại tiền lẻ vẫn còn giá trị lưu thông nên không có cớ gì để không nhận chỉ vì đó là tiền lẻ", lãnh đạo ACB chia sẻ.

Không bình luận về ý kiến đề xuất hạn chế in tiền lẻ 500 đồng trong dịp Tết năm nay, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cho biết, ngân hàng không có "nghĩa vụ" phải cấp tiền mới để đổi cho người dân. Việc cung ứng tiền mới phụ thuộc vào chính sách cũng như nguồn cung năm nay như thế nào. Còn riêng với tiền cũ, hiện tại, không chỉ với tiền lẻ cotton, mà ngay cả tiền xu, dù ít xuất hiện trong lưu thông nhưng vẫn còn giá trị nên các nhà băng không được phép từ chối thu nếu như khách hàng mang tới nộp.


Tin liên quan