Công viên ở đâu trong đô thị?

Tin tức

Công viên ở đâu trong đô thị?


 
Moitruong24h - Cứ đến thời điểm nghỉ hè, các bậc phụ huynh lại nháo nhác tìm kiếm chỗ chơi cho con trẻ và câu chuyện này lại “nóng” trên các diễn đàn. Trong khi đó, một số công viên trên địa bàn TP Hà Nội như Công viên Thống Nhất, Tuổi Trẻ, Thủ Lệ… chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
 Nỗi khổ trẻ thành phố

Anh Nguyễn Văn Trung (Phùng Khoang, quận Thanh Xuân) cho biết, mấy ngày qua anh phải xin nghỉ làm để đưa con về quê. Trẻ con bây giờ tội quá, không có không gian chơi như mình ngày xưa. Mỗi năm đến hè là vợ chồng tôi lại gửi hai đứa về quê để con có không gian vui chơi. “Ở thành phố, bố mẹ bận đi làm, chung quanh lại không có chỗ chơi, rồi suốt ngày cắm mặt vào iPad, tivi… thì còn gì là tuổi thơ nữa”, anh cho biết.

Đối với nhiều người hiện đang sinh sống ở Thủ đô, việc tìm cho con một chỗ chơi lành mạnh, có không khí trong lành như ở công viên quả là khó. Diện tích thành phố ngày càng hẹp bởi mật độ xây dựng lớn, dân số đông song số lượng công viên đáp ứng nhu cầu vui chơi của con trẻ chỉ đếm đầu ngón tay. Mặc dù đối với nhiều người, công viên không cần phải hiện đại và hoành tráng gì cho lắm. Ở giữa một khu dân cư vài nghìn hộ dân, họ chỉ mong có một cái công viên nho nhỏ nhưng thoáng đãng với nhiều cây xanh và bãi cỏ sạch. Cuối ngày, người ta có thể đưa gia đình ra đi dạo, chạy bộ và cuối tuần có thể cùng bạn bè cho con trẻ chơi đùa đã là tốt lắm rồi.

Nói là vậy, nhưng có vẻ điều đó lại không dễ thực hiện, đặc biệt là tại những khu đô thị mới ở Thủ đô. Có lẽ vì vậy mà gia đình anh Ngọc (KĐT Trung Hòa - Nhân Chính) có một mong ước bình dị, đó là được an cư ở một vùng quê yên bình. Nhiều người cho đây là sự lạ vì sống ở nơi phố thị xa hoa, nhộn nhịp thế thì về quê làm gì, nhưng vợ chồng anh không nghĩ vậy.

“Thành phố thì hầu như cái gì cũng có, chỉ thiếu cây xanh, không khí sạch, hồ nước mênh mông… mà những thứ đó thì có tiền cũng chẳng mua được. Mỗi năm đến hè, vợ chồng tôi đều chờ lũ trẻ được nghỉ học để cả nhà đi du lịch, đến những nơi nhiều cây xanh, mặt nước, đồng cỏ để hít thở không khí trong lành, còn các cháu thì được tha hồ chạy nhảy, khám phá thiên nhiên. Ở thành phố bây giờ ngột ngạt quá, đi đâu cũng thấy công trường xây dựng, nhà bê-tông mọc lên như nấm nhưng cây xanh, hồ nước thì chẳng thấy đâu. Ngày hè mà cứ bắt trẻ con ở trong nhà xem tivi với nghịch điện thoại thì tội chúng nó quá”, anh chia sẻ.

Nơi thiếu, nơi bỏ hoang

Theo thống kê, diện tích công viên, vườn hoa tại Hà Nội trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08 m²/người. Trong khi đó, theo Đề án phát triển thành phố đến năm 2030, chỉ tiêu này phải đạt 2,43 m²/người. Trong các quận nội thành, điều này cũng không khá hơn khi rất hiếm các điểm vui chơi công cộng có diện tích rộng, chỉ là những điểm nhỏ lẻ nằm bao quanh giữa những bức tường bê-tông ngột ngạt.

Hiện toàn thành phố có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng. Trong đó, khu vực nội đô có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi, chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, tập thể cũ. Cụ thể, phường Văn Chương (quận Đống Đa) chỉ có ba sân chơi cho hơn 18.000 dân, trong đó diện tích sân lớn nhất chỉ khoảng 500 m²; phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) có một sân chơi khoảng 1.000 m² cho gần 20.000 người. Tại một khu chung cư ở quận Thanh Xuân, chủ đầu tư còn tận dụng từng mét đất để xây nhà, hai tòa nhà lên tới 30 tầng nhưng chỉ có vài chục m² là không gian chung. Do đó, vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ, Tết hay nghỉ hè, nhiều gia đình phải đưa con đi hàng chục km để tìm khu vui chơi và hít thở không khí trong lành.

Thiếu quỹ đất xây dựng không gian chung là một chuyện, nhiều điểm vui chơi hiện tại của TP Hà Nội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Quận Hai Bà Trưng có chín khu vui chơi, giải trí công cộng, bao gồm: công viên, vườn hoa, khu cây xanh, sân chơi, trong đó có hai công viên lớn là Công viên Thống Nhất và Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô.

Công viên Thống Nhất dù rộng rãi, nằm ở vị trí thuận lợi, tiếp giáp giữa các con phố lớn nhưng cũng khá vắng vẻ, èo uột khách thăm. Nhiều khu vực trong công viên sử dụng sai mục đích, cho thuê làm điểm kinh doanh… khiến bộ mặt công viên khá nhếch nhác, lộn xộn. Trong công viên còn ít ghế đá, các trang thiết bị phục vụ cho luyện tập thể dục - thể thao còn rất khiêm tốn nên không thu hút được nhiều người.

Hoang phí nhất là Công viên Tuổi Trẻ (rộng 26,43 ha) thuộc phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Công viên này dù đầu tư khá nhiều tiền và từng được kỳ vọng trở thành không gian xanh của thành phố nhưng nay bị bỏ hoang. Nhiều người dân sinh sống quanh đây cho biết, từ ngày xây dựng đến nay, hầu như các hạng mục vui chơi giải trí trong công viên không đưa vào sử dụng, để phơi nắng, phơi mưa gây lãng phí rất lớn.

Để cải thiện tình trạng này, Nhà nước cần có chính sách khắc phục, cho phép đầu tư theo hướng xã hội hóa để doanh nghiệp, người dân cùng có trách nhiệm tham gia xây dựng môi trường sống trong lành, tránh lãng phí quỹ đất cũng như giá trị tài nguyên của công viên.

 

Thanh Tùng/Nhandan


Từ khóa liên quan : công viên   đô thị   thời đại   công nghiệp   ô nhiễm   

Tin liên quan