Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, vừa được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới.
Theo đó, ông Vượng xếp hạng 974 trong danh sách của Forbes năm 2013, đồng hạng với hơn 40 tỷ phú khác, với giá trị tài sản ròng theo Forbes là 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Vượng cũng nằm trong danh sách 210 tỷ phú mới nhất của năm 2013.
Con số ấn tượng
Việc ông Phạm Nhật Vượng lọt vào danh sách bình chọn của tạp chí tài chính hàng đầu thế giới như Forbes được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá cao.
Theo ông Ánh, trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều bấp bênh như hiện nay, vẫn có một mã chứng khoán với giá trị tài sản ước tính lên đến 1,5 tỷ USD là điều đáng tự hào.
Đồng thời, trong điều kiện phát triển kinh tế Việt Nam, việc hình thành nên những tỷ phú như ông Vượng khẳng định xu thế tất yếu, “tạo ấn tượng lớn đối với việc phát triển kinh tế thị trường”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu không thể khẳng định về nguồn thông tin mà tạp chí Forbes đưa ra. Tuy nhiên, với con số 1,5 tỷ USD tài sản ròng của tỷ phú Vượng được vị chuyên gia này đánh giá là rất đáng kể: “Giá trị thị trường chứng khoán cả nước là hơn 120 tỷ USD mà một mình ông Vượng đã giữ 1,5 tỷ USD. Nếu đây là con số thực thì tôi mừng cho ông Vượng”.
Tỏ ra tin tưởng tạp chí Forbes, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV Tống Minh Tuấn cho rằng tài sản ròng 1,5 tỷ USD của ông Vượng là có thật.
Theo ông Tuấn, Việt Nam “tạm thời nên tự hào vì có người như ông Vượng”, bởi giá cổ phiếu được tính trên một thời gian dài, tính thanh khoản rất cao. Điều này làm nên giá trị cổ phiếu.
Trả lời câu hỏi về việc thị trường chứng khoán, BĐS ở Việt Nam đang bấp bênh, có thể ảnh hưởng tới giá trị tài sản thực của ông Vượng, ông Tuấn nói rằng “Forbes rất uy tín” nên “thị trường chứng khoán, BĐS đang bấp bênh mà có người lọt vào danh sách của Forbes chứng tỏ rất giỏi, chẳng bất công hay công bằng gì ở đây”.
Nhiều người "giàu hơn ông Vượng"?
Trong khi có nhiều thắc mắc xung quanh khối tài sản khổng lồ này của tỷ phú Vượng thì chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng đây là số liệu đáng tin cậy. Theo ông Ánh, tạp chí Forbes tính toán tài sản dựa trên giá trị cổ phiếu trên thị trường, loại trừ tài sản ngầm. Tuy nhiên, thông thường ở những nước phát triển, tài sản ngầm còn lớn hơn tài sản thực công bố. Điều đó có nghĩa là còn có nhiều tỷ phú “đô la” như ông Vượng nhưng không được công bố.
Qua việc này, ông Ánh đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc nên công khai minh bạch tài sản.
“Đây là tín hiệu tốt khuyến khích người có tài sản ngầm công khai tài sản để đạt đến mong muốn nền kinh tế công khai minh bạch”.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều tỷ phú như ông Phạm Nhật Vượng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu Khẳng định: Ông Vượng không phải là người duy nhất đứng vào hàng tỷ phú.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu Forbes dùng nguồn khai thuế để tìm người có tài sản lớn thì không chính xác, bởi có nhiều người giàu nhưng khai thuế ít hoặc không khai báo tài sản. Ngoài ra, việc những tỷ phú không dám khai thuế đúng theo sức mạnh tài chính sẽ không được “giới truyền thông” để ý cũng khiến danh sách này dễ “lọt”.
Là một trong những tạp chí xếp hạng tài chính uy tín nhất thế giới, Forbes đưa ra các thông tin dựa vào nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, nguồn đó có chính xác hay không, chính xác như thế nào thì không thể biết được.
“Forbes quan tâm đến những nhân vật có nhiều hoạt động về tài chính. Có những người vì lý do này hay lý do khác tạo được khối tài sản không thuộc về giới tài chính thì Forbes không quan tâm. Những con số này dựa nhiều vào các phỏng đoán nên không ai biết được chính xác tài sản của một người trừ khi các cơ quan chính quyền đưa ra”, ông Hiếu nói.
Thông tin thêm về giới tỷ phú trên thế giới, ông Tống Minh Tuấn cho biết có nhiều người “giàu ảo”.
“Có người năm trước giàu nhất hành tinh nhưng năm sau đứng thứ 10 bởi giá chứng khoán thay đổi. Nếu là BĐS thì không mất đi nhưng giá chứng khoán đã bốc hơi”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng, có thể ở Việt Nam còn nhiều người giàu hơn ông Phạm Nhật Vượng nhưng không thể đo được.
“Ông Vượng không phải người giàu nhất nhưng để chuyên nghiệp chúng ta nên minh bạch tài sản”, ông Tuấn khuyến nghị.
Ý nghĩa của việc được lọt vào danh sách tỷ phú thế giới được ông Tuấn nhấn mạnh vào hai từ: “Thương hiệu”. Với "thương hiệu" này, “nếu muốn đi vay vốn kiểu gì cũng vay được. Nhiều người giàu như ông Vượng cũng mơ ước được vào danh sách của Forbes”, ông Tuấn nói vui.